Stagehand – Họ là ai?

Đăng bởi : Lê Minh Trang

– Stagehand là ai? Họ làm gì?

Stagehand hay những người phụ trách kỹ thuật trên sân khấu thường đảm nhiệm một khối lượng công việc hậu trường rất đa dạng, bao gồm từ dàn dựng sân khấu, chuẩn bị đạo cụ tới các hiệu ứng sân khấu đặc biệt.
Cụ thể hơn, họ lắp đặt và tháo dỡ các thiết bị, giúp bộ phận kỹ thuật bố trí, dàn dựng và di chuyển các phối cảnh sân khấu, nội thất cùng các thiết bị có trọng lượng lớn trong các màn biểu diễn, mở và đóng rèm sân khấu, vận hành thiết bị kỹ thuật, thu dọn, làm sạch sân khấu & khu vực

Trong quá trình biểu diễn, yêu cầu bắt buộc với stagehand là họ phải quen thuộc với tất cả các phân cảnh. Họ cũng cần biết trước vị trí chính xác của các hạng mục cần di rời và lắp đặt trên sân khấu để phục vụ cho các màn biểu diễn tiếp theo.

Stagehand làm việc dưới sự chỉ đạo của Giám đốc sản xuất hoặc giám đốc kỹ thuật. Trong các chương trình quy mô nhỏ, họ có thể làm việc dưới quyền của ‪#‎Stagemanager‬.

– Môi trường làm việc của một stagehand?

Stagehand làm việc trong một môi trường linh hoạt và phụ thuộc yêu cầu cụ thể của các chương trình biểu diễn. Họ sẽ phải làm việc trong suốt thời gian chuẩn bị chương trình nhưng phần lớn công việc sẽ diễn ra vào buổi tối, và hầu như phải làm việc vào các cuối tuần.

Điều kiện làm việc đôi khi có thể khá chật chội và nóng bức, có thể bao gồm cả làm việc ở các dàn khung trên cao của sân khấu. Công việc chính bao gồm nâng đỡ, đẩy và kéo các thiết bị hoặc vật dụng trang trí sân khấu có kích thước và khối lượng lớn.

Áo đen của stagehand được sử dụng khi chuyển cảnh trong bóng tối và trong một số trường hợp, các stagehand còn cần đến đồ bảo hộ.

– Để trở thành một stagehand, bạn cần gì?

Để trở thành stagehand, một số yếu tố cần có bao gồm:
• Yêu thích những công việc thuộc về sân khấu
• Đủ sức khỏe để vận chuyển đạo cụ sân khấu
• Linh hoạt khi giải quyết một số lượng lớn các công việc rất đa dạng
• Rèn luyện thái độ làm việc nhiệt tình và kiên nhẫn
• Vui vẻ và hết lòng giúp sức ngay cả trong những tình huống căng thẳng
• Có ý thức bảo đảm an toàn khi làm việc.

– Cơ hội nghề nghiệp dành cho Stagehand:

Có khá ít cơ hội thực sự để nâng cao trình độ cho các stagehand khi làm việc tại các nhà hát thành phố hoặc các công ty tổ chức sự kiện do nghề nghiệp này chưa đủ lớn mạnh để trở thành một phân nhánh riêng trong ngành sự kiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chịu khó lăn lộn và tìm kiếm, bạn vẫn sẽ có cơ hội để trải nghiệm, nâng cao trình độ và làm công việc yêu thích của mình.

Back to top

Gọi Ngay: 0916445986