Cấu trúc điển hình của một nhà hát (P2)

Đăng bởi : Lê Minh Trang

1. Sân khấu

Đây là nơi các màn biểu diễn xuất hiện. Một số sân khấu được xử lý để trông có vẻ dốc và cao hơn về phía sau. Độ dốc này giúp tạo ra góc nhìn tốt hơn và khán giả có thể quan sát mọi động tác của diễn viên trên sân khấu. Thuật ngữ “upstage” (phía xa khán giả) và downstage ( gần hơn tới khán giả) có nguồn gốc từ độ dốc này. Các nhà hát lớn còn trang bị cửa ngầm ở dưới sàn sân khấu, chính là nơi chuẩn bị cho các màn biểu diễn hoặc hiệu ứng đặc biệt. Khi một diễn viên đứng trên sân khấu và đối diện với khán giả, bên tay trái của họ được hiểu là “stage-left” và bên phải là “stage-right”. Các nguyên tắc gọi tên từng khu vực trên sân khấu này cũng áp dụng cho ê kíp sản xuất dù vị trí đứng của họ là ở phía đối diện với diễn viên.

2.Cánh gà

Đây là khu vực ở hai bên sân khấu khi các diễn viên chờ đến lượt ra diễn. Đó cũng là nơi chứa các đạo cụ và tiểu cảnh chưa sử dụng đến.

3. Góc nhắc lời thoại

Góc này thường ở hai bên cánh gà, chủ yếu ở bên trái sân khấu. Đây là nơi một nhân viên sẽ theo dõi kịch bản và nhắc diễn viên khi họ quên mất lời thoại của vở kịch. Stage manager cũng trực tiếp chỉ đạo diễn xuất từ khu vực này.

4. Fly floor

Đây là nơi làm việc của các Fly men, ở phía trên của hai bên cánh gà. Họ sẽ phụ trách các phân cảnh có những màn kéo/hạ diễn viên, đạo cụ lên cao hoặc xuống thấp.

5. Hệ thống treo & lưới

Đây là toàn bộ hệ thống thiết bị ở phía trên của sân khấu để hỗ trợ cho các tiết mục liên quan đến nâng/hạ các diễn viên, đạo cụ khi biểu diễn. Các thiết bị thường bao gồm ròng rọc, dây cáp, móc treo, đối trọng, lưới, v.v….

6. Rèm bảo vệ chống cháy

Lớp rèm này được làm từ kim loại và có khả năng chống bắt lửa. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, lớp rèm bảo vệ sẽ hạ xuống ngay lập tức để ngăn chặn lửa và bảo vệ khu vực phía trước sân khấu. Theo nguyên tắc, lớp rèm này sẽ được hạ xuống ít nhất một lần trong chương trình để chứng minh với khán giả rằng nó vẫn hoạt động hiệu quả.

7. Lối vào nhà hát

Đây là lối dành riêng cho các nhân viên, diễn viên và stagehand đi vào nhà hát. Khu vực này cần được kiểm soát bởi bảo vệ.

8. Lối vận chuyển đạo cụ

Đây là những lối đi rất lớn nối giữa bên ngoài nhà hát và khu vực phòng chứa bên trong sân khấu.. Tất cả các đạo cụ, trang thiết bị phục vụ cho chương trình sẽ được vận chuyển ra/vào sân khấu thông qua lối vận chuyển này.

9. Phòng nghỉ của diễn viên

Các diễn viên sử dụng phòng này để nghỉ ngơi trước và sau khi diễn. Trong tiếng Anh, phòng này có tên “green room” bởi màu xanh lá cây là màu của sự thư giãn.

10. Phòng hoá trang

Đây là nơi các diễn viên thay trang phục và sẵn sàng bước lên sân khấu. Chức năng chính của phòng là phục vụ các diễn viên chính, các diễn viên phụ sẽ chung nhau sử dụng những phòng khác. Phần lớn các diễn viên sẽ tự trang điểm cho họ, bởi vậy hệ thống gương cần trang bị đèn để có ánh sáng tương tự như ánh đèn sân khấu. Điều này giúp họ nhìn thấy được họ sẽ xuất hiện như thế nào khi ra sân khấu. Nhiệt độ trong phòng cũng phải bằng với nhiệt độ sân khấu, để diễn viên cảm nhận được không khí khi xuất hiện trước khán giả. Phòng thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc quá ẩm ướt sẽ không tốt cho giọng hát/nói của diễn viên và cơ bắp của các vũ công.

11. Phòng cho ban nhạc

Tương tự như phòng nghỉ cho diễn viên, các nhạc công sử dụng phòng này để thư giãn và tạm nghỉ giữa các màn biểu diễn.

12. Phòng phục trang tạm thời

Đây là khu vực tạm thời gần sân khấu, có đèn, gương và giá treo phục trang cho diễn viên để họ thay đổi trang phục nhanh chóng giữa các màn biểu diễn với sự trợ giúp của nhân viên phục trang.

13. Phòng phục trang

Phòng phục trang bao gồm các nhân viên chuyên quản lý trang phục biểu diễn (và các phụ kiện đặc biệt khác như tóc giả, mặt nạ,…), thực hiện các công việc bảo quản, giặt là hoặc sửa chữa khi cần thiết để đảm bảo chúng luôn trong tình trạng tốt nhất trước giờ diễn.

14. Khu vực tổng duyệt

Khu vực này có kích thước giống như sân khấu để diễn viên tập luyện và tổng duyệt trong một không gian giống như khi diễn thật. Cần trang bị gương xung quanh phòng để họ theo dõi động tác và diễn xuất của mình trong lúc tập. Ngoài ra, nên có thêm tay vịn tập múa và sàn phòng tập cần được lót thảm cao su để phục vụ các vũ công tập luyện.

15. Tiểu cảnh (Scenery)

Đây là từ dùng cho cho tất cả phông nền, khung cảnh,… được dựng lên phục vụ cho các màn biểu diễn. Các tiểu cảnh có thể làm từ vải, bằng cách sơn, vẽ, in ấn… hoặc làm từ những chất liệu cứng rắn khác; có thể được mang lên sân khấu, đẩy ra từ hai bên cánh gà hoặc cuộn sẵn và thả xuống từ phía trên sân khấu… Các tiểu cảnh chiếm diện tích khá lớn trên sân khấu và có thể cao gấp 2 tới 3 lần chiều cao quy định khi mở màn của sân khấu.

16. Đạo cụ (Props)

Đạo cụ (tiếng Anh là Props – từ viết tắt của properties) dùng để chỉ tất cả các đồ vật có thể di chuyển được sử dụng trong các màn biểu diễn. Các đồ vật này được mang ra/vào sân khấu bởi team stage crew và khi chưa sử dụng tới, chúng thường được đặt ở 2 bên cánh gà sân khấu.

17.Nhà xưởng

Đây là nơi sản xuất và bảo trì các đạo cụ và tiểu cảnh. Không phải nhà hát nào cũng có nhà xưởng để sản xuất và quy mô nhà xưởng cũng thay đổi tùy theo loại hình nghệ thuật của nhà hát đó.

     (Theo nguồn Backstage Event)

Back to top

Gọi Ngay: 0916445986